OTT ở Việt Nam: Phát triển đáng mừng nhưng thách thức bản quyền, web lậu

Ngày : 07/12/2021
THANTUONG - Trong Diễn đàn Giải trí và Truyền thông 2021, nhiều yếu tố tích cực và thách thức về cuộc đua nội dung gốc trên nền tảng trực tuyến được thảo luận một cách thẳng thắn.

Mô tả hình

Yếu tố thật và đời được đặt lên hàng đầu trong sản xuất nội dung của VieON

 

Covid-19 khiến nhiều ngành nghề ngưng trệ và có dấu hiệu đi lùi, tuy nhiên theo PwC, ngành giải trí và truyền thông toàn cầu đã lấy lại đà phát triển, đặc biệt thị trường truyền thông trực tuyến của Việt Nam đang trên đà nở rộ. Tính đến năm 2019, định giá thị trường Truyền thông trực tuyến của Việt Nam là 2,8 tỉ USD, đứng thứ III khu vực Đông Nam Á.

Vậy làm thế nào để Việt Nam nắm bắt được cơ hội phát triển của ngành Giải trí và Truyền thông trước bối cảnh tương lai mới sau đại dịch Covid-19? Một trong những yếu tố quan trọng đó là phát triển các dịch vụ OTT (Over The Top - Giải pháp cung cấp nội dung trên nền tảng Internet). 

Là một trong những người chịu trách nhiệm về nội dung từ những đơn vị truyền thông lớn ở Việt Nam, mới đây Đạo diễn Nguyễn Đức Hòa (Phó ban Thanh Thiếu Niên, Đài Truyền hình Việt Nam); chị Đinh Thị Nam Phương (Giám đốc Chiến Lược Nội dung VieON) và chị Nguyễn Đặng Quỳnh Anh (Phó Tổng GĐHĐ Yeah1) đã có nhiều chia sẻ về “Tương lai của OTT: Cuộc đua nội dung gốc" trong Diễn đàn Giải trí và Truyền thông 2021.

Mô tả hình

Cô Đinh Thị Nam Phương - Giám đốc Chiến Lược Nội dung VieON. 

Chia sẻ về sự phát triển của OTT hiện nay, chị Đinh Thị Nam Phương cho hay, việc tiêu thụ nội dung OTT ở Việt Nam đang phát triển với tín hiệu đáng mừng. Thống kê từ VieON cho thấy, dù mới hoạt động một năm rưỡi nhưng ứng dụng xem phim trực tuyến này đã có lượng truy cập cao, nhiều content được ủng hộ, lượng nhắc tới VieON trên các trang mạng xã hội đạt 37%, đặc biệt các con số đạt đỉnh trong đợi dịch vừa qua. Gần đây, VieON vinh dự nhận giải thưởng Truyền thông & Giải trí của Giải thưởng Công nghệ xuất sắc Việt Nam 2021 hạng mục Dịch vụ trực tuyến. Giải thưởng nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Công nghệ Xuất sắc Châu Á năm 2021 và được vinh danh qua hơn 50 quốc gia trong khu vực. Tiếp đến, VieON được vinh danh trong Lễ biểu dương Việt Nam Award 2021 khi thắng hai giải: “Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam” - Vietnam Typical Enterprise và “Top 10 Thương hiệu được tin dùng nhất Việt Nam” - Vietnam's Most Trusted Brand.

Chia sẻ về cách thức sản xuất những nội dung chất lượng trên VieON, chị Nam Phương cho hay: “Người dùng OTT VN có nhu cầu xem content nội địa cao nhất Đông Nam Á. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các nhà sáng tạo nội dung trong nước. Tôi nghĩ xu thế và nội dung không quan trọng bằng cách mình làm ra sao. Có một số tiêu chí về nội dung bên tôi đặt nặng để đảm bảo nội dung đưa đến người xem có ý nghĩa, đó là Thật và Đời. 

Ví dụ như ‘Rap Việt’, rap không chỉ là nhạc còn là thơ mà được đưa vào cuộc sống thường ngày, tính nhanh nhạy được đề cao. Ngoài ra, năm vừa rồi bộ phim ‘Cây Táo Nở Hoa’ chiếu trên VieON cũng được khán giả quan tâm, bộ phim thể hiện rõ cuộc sống đời thường mình. Vì vậy, chân thật và đời thường là yếu tố được đưa vào trong original content”.

Đồng tình với ý kiến của chị Nam Phương, anh Đức Hòa cho rằng mảng phim truyền hình ở VTV đang phát triển mạnh mẽ nhờ yếu tố đời thường và gần gũi với người xem.  Tại Yeah1, các series về giải trí cũng liên tục được sản xuất, tuy nhiên không phải những nội dung giải trí đơn thuần, giải trí phải gắn với yếu tố giáo dục, và đặc biệt là hướng đến sự tích cực từ những câu chuyện đời thường.

Dù có sự phát triển mạnh mẽ nhưng các nền tảng số ở Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức. Một trong số đó là bất cập trong việc kiểm duyệt phim và đối phó với web lậu. 

“Ngoài những nội dung Việt Nam, VieON có nhiều phim nước ngoài, được thông qua kiểm duyệt theo luật phát Việt Nam. Nội dung chúng tôi hướng đến không đơn thuần là giải trí mà đều mang theo giá trị văn hóa, hệ tư tưởng của quốc gia đó. 

Tuy nhiên, làm việc trong mảng sáng tạo nội dung ở Việt Nam có bất cập như không qua được kiểm duyệt phim nước ngoài, nhưng nhiều platform vẫn được đưa phim lên. OTT lại không được bảo vệ tại thị trường Việt Nam, dẫn tới sự cạnh tranh không công bằng và thay đổi từ hợp tác thành xâm chiếm văn hoá bản địa của OTT nội địa. Đây được xem là mối lo lắng của những người làm content, ảnh hưởng đến văn hoá của người Việt Nam”, chị Nam Phương nhận định.

Vấn đề bản quyền ở VTV nhiều năm nay vẫn là sự trăn trở của các nhà sản xuất nội dung. Vì vậy, nội dung cần được bảo vệ và nếu muốn người dùng ở lại với mình thì content phải ý nghĩa, nhân văn mang thông điệp đến người nghe. Dẫu vậy, việc bảo vệ bản quyền hiện nay vẫn là chuyện nan giải và cần sự chung tay của tất cả khán giả để xây dựng môi trường trực tuyến lành mạnh cho nhà sáng tạo nội dung lẫn người dùng. 

Chị Nam Phương bày tỏ: “Việc mua bản quyền không chỉ bảo vệ nội dung phim ảnh giải trí, mà còn là thay đổi nhận thức của mọi người trong việc phát triển nền kinh tế số. Từ phía VieON, mình có lòng nhưng không có lực. Đối với nội dung gốc, VieON quản lý chặt chẽ và nhờ cơ quan công quyền hỗ trợ. Tuy nhiên việc làm với đối tác nước quyền lại là một trải nghiệm cho OTT. 

Việc mua bản quyền content nước ngoài đang cực kì gắt gao và khó khăn để được bản quyền, độc quyền. VieON mua phim chiếu đồng thời với nước ngoài đang là điều cực kỳ khó để đối phó với web lậu. Ví dụ một bộ phim ở nước bản địa phát 10h thì VieON phát sau đó 11h, trong khi web lậu phát sau đó không lâu so với nước bản địa”.

Nhìn vào những mặt tích cực và tiêu cực của OTT tại Việt Nam, chị Nam Phương khẳng định: “Chúng tôi cực kỳ nghiêm túc đầu tư nhằm xây dựng và bảo vệ văn hoá Việt Nam. VieON mong muốn hợp tác với các nhà sản xuất để giữ được nét văn hoá nhằm không bị hoà tan với văn hoá các quốc gia khác trên thế giới”. 

Anh Đức Hòa cho rằng, cần có tầm nhìn dài hơn, xa hơn trong việc phát triển các nội dung số. “Trong thời đại 4.0, cách làm việc truyền thống sẽ bị lạc hậu. Vì vậy chúng ta cần hợp tác và chung tay bảo vệ sứ mệnh của văn hoá Việt và nâng tầm văn hoá cuộc sống người Việt”, đại diện VTV nói.

Tóm lại, nội dung dành cho người Việt luôn mang hơi thở và sự gần gũi đời thường, thấy được đâu đó cuộc sống của mình. Đã nói đến nội dung là nói đến sáng tạo, cần phải hiểu thị yếu nhu cầu người xem trên thị trường, nâng cao văn hóa và bảo vệ bản quyền. Sức sáng tạo nội dung của các nhà sản xuất là điều sẽ được chú ý nhất.


 

:
Xem thêm
Về đầu trang