Ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CGV chia sẻ 3 yếu tố làm nên thành công của điện ảnh Việt
Ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CGV .
Đây cũng chính là các mảng đầu tư chính của CGV trong suốt hơn 10 năm qua, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng - chuyện không của riêng ai
Ước tính trong năm 2017, tổng doanh thu thị trường điện ảnh đạt khoảng 3.200 tỷ đồng với 45 triệu lượt khán giả tới rạp, tăng mạnh so với hơn 2.800 tỷ đồng - 38 triệu lượt khán giả năm 2016. Theo thống kê từ www.uis.unesco.org , số màn hình chiếu phim trung bình trên 1 triệu dân của Việt Nam chỉ là 7 màn hình, trong khi ở Trung Quốc, con số này là 23, Nhật Bản là 26 và Mỹ là 126. Bên cạnh đó, số lần người Việt đến rạp xem phim trung bình chỉ đạt 0,4 lần/năm; trong khi Thái Lan là 1 lần/năm, Malaysia khoảng 2 lần/năm hay Singapore là 4 lần/năm. Những số liệu trên đã phần nào chứng minh được tiềm năng phát triển lớn của thị trường điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nâng cấp hạ tầng điện ảnh tại các vùng miền chưa có sự phát triển đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại đầu tư xây dựng cụm rạp ở các tỉnh thành xa do rủi ro thu hồi vốn cao hơn nhiều so với các thành phố lớn. Hiện tại, CGV là doanh nghiệp tiên phong đẩy mạnh việc mở rộng cụm rạp tại các tỉnh thành xa. Cụ thể, năm 2011, toàn thị trường có 23 hệ thống cụm rạp, trong đó CGV vận hành 8 cụm rạp. Tính tới tháng 12/2017, toàn thị trường có 144 hệ thống cụm rạp, CGV vận hành 53 hệ thống cụm rạp với 324 phòng chiếu tại 19 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, CGV còn đầu tư nhiều phòng chiếu với công nghệ và dịch vụ hiện đại nhất như: công nghệ 3D, 4DX, Imax, Starium, ScreenX, các phòng chiếu cao cấp Gold Class, L’amour, hệ thống âm thanh Dolby Atmos…
Theo ông Sim Joon Beom: “CGV dự kiến sẽ mở từ 12-15 cụm rạp lớn mỗi năm, trong đó có 4-5 cụm rạp tại các tỉnh thành xa để ngày càng có nhiều người Việt Nam được đến rạp xem phim. Việc phát triển hệ thống cụm rạp của CGV sẽ góp phần tạo thêm khán giả chứ không phải thu hút khán giả từ các cụm rạp khác. Quan trọng là các cụm rạp cần tập trung cải thiện chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu của khán giả - đó chính là phương thức cạnh tranh hiệu quả nhất”.
Hiện CGV đã đầu tư hơn 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại Việt Nam. Từ năm 2011-2017, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ đầu tư thêm 200 triệu đô từ nay tới năm 2020 từ nguồn vốn đi vay.
Phát triển điện ảnh Việt – bắt đầu từ con người
Nhân lực của ngành điện ảnh Việt Nam ngày càng có chất lượng tốt hơn bởi những chính sách đào tạo từ nhà nước và các doanh nghiệp, nhà sản xuất... Tuy nhiên, để đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của điện ảnh Việt, thì nhu cầu xây dựng đội ngũ các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên trẻ tài năng vẫn rất cấp thiết.
Chính vì lí do đó, CGV không ngừng tổ chức các hoạt động như “Lớp học làm phim Toto”, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng” nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những cho những nhà biên kịch, nhà làm phim tương lai. Với những hoạt động ý nghĩa và giải thưởng thiết thực, CGV đã và đang gieo mầm ước mơ cho hàng ngàn tài năng điện ảnh Việt. Dự kiến trong năm nay CGV sẽ phối hợp với CJ Culture Foundation (Hàn Quốc) lần đầu tiên tổ chức một cuộc thi dành cho các nhà làm phim trẻ trên toàn quốc.
Việc đào tạo đội ngũ nhân viên đang làm việc tại các hệ thống rạp của CGV cũng được đầu tư mạnh. Năm 2015, CGV đã thành lập trung tâm đào tạo CGV University tại Hà Nội và TP.HCM nhằm huấn luyện kỹ năng chuyên ngành cho nhân viên nội bộ theo hệ thống đào tạo chuẩn quốc tế, qua đó góp phần nâng tầm chất lượng dịch vụ cho ngành điện ảnh.
Đa dạng hóa thể loại phim – động lực từ thị trường
Trong 35 bộ phim Việt ra rạp trong năm 2017, chủ yếu vẫn là thể loại phim hài, hành động và kinh dị. Khi phim nghệ thuật vẫn đang loay hoay tìm đường đến với khán giả thì việc CGV khai trương 2 phòng chiếu phim nghệ thuật CGV Art House năm 2014 là hoạt độngnhận được sự ủng hộ lớn từ giới chuyên môn cùng công chúng yêu nghệ thuật. CGV Art House đã góp phần giới thiệu nhiều phim nghệ thuật Việt đến với khán giả như:“Chuyến đi của chị Phụng”, “Đập cánh giữa không trung”, “Người trở về”…
Ngoài ra, hàng năm, CGV còn đồng hành cùng Cục Điện Ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tài trợ cho Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội và Liên hoan phim Việt Nam. Chương trình nhằm vinh danh các đạo diễn, nhà làm phim, các tác phẩm điện ảnh và từng bước giới thiệu điện ảnh Việt Nam với thế giới, qua đó tạo điều kiện và động lực cho điện ảnh trong nước phát triển.
Thực tế, điện ảnh Việt có lợi thế lớn trong việc thu hút đầu tư nhờ nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh cùng với nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng. Tốc độ tăng trưởng của ngành cũng rất khả quan, khoảng 25% mỗi năm trong 5 năm qua. Với đà phát triển này, Việt Nam có thể vươn lên trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu trong tương lai không xa.
“Bên cạnh những tiềm năng lớn, một trong những thách thức quan trọng là làm thế nào để các đơn vị trong ngành điện ảnh cùng tập trung đầu tư theo tầm nhìn dài hạn ở 3 mảng cốt lõi kể trên, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề cạnh tranh cho lợi ích cá nhân.” – ông Sim Joon Beom nhấn mạnh.