Võ Sĩ Giác Đấu II - Bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn Ridley Scott
Từ khoa học viễn tưởng với “Alien” (tựa Việt: Quái vật khôn gian) và “Blade Runner” đến sử thi lịch sử như “Gladiator” (tựa Việt: Võ sĩ giác đấu II), cách kể chuyện độc đáo, quy mô lớn của nhà làm phim đã tạo nên phong cách không thể nhầm lẫn. Với việc Gladiator II (tựa Việt: Võ sĩ giác đấu II) ra mắt vào tháng này, cùng nhìn lại các tác phẩm đình đám làm nên uy tín của một trong những đạo diễn vĩ đại nhất màn ảnh đương đại.
1. Alien (1979)
“Alien” (tựa Viêt: Quái vật không gian) mở đầu cho một chuỗi các phim chủ đề quái vật không gian với tổng doanh thu toàn cầu lên đến gần 2 tỉ đô. Tác phẩm năm 1979 là một ví dụ điển hình về tài năng kể chuyện bằng hình ảnh của Ridley Scott - khi đó là một nhà làm phim đầy tham vọng mới chỉ có một phim đầu tay là “The Duellists”.
Lấy bối cảnh con tàu vũ trụ bị quái vật ngoài hành tinh tấn công, “Alien” nhấn chìm người xem trong nỗi hoảng loạn. Hành lang tối chật chội, đồ vật đổ vỡ, môi trường khắc nghiệt bên ngoài như bóp nghẹt màn hình, trong sự truy đuổi của một giống loài hung dữ và mạnh mẽ mà con người còn chưa biết tới. Với việc áp dụng hầu hết các hiệu ứng thực tế từ mô hình quái vật, trang phục đến tái tạo không gian trong tàu vũ trụ giúp “Alien” không trở nên lỗi thời dù tác phẩm đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ.
Về mặt nội dung, bộ phim đã hình thành nên ý tưởng sau này trở thành kim chỉ nam cho toàn bộ franchise: ý chí sinh tồn của con người, sự hữu hạn và nhỏ bé của chúng ta trước những điều chưa biết của vũ trụ, và cách các tập đoàn tư bản bóc lột nhân công ra sao. Những chủ đề này vẫn hiện hữu trong tác phẩm “Alien” gần nhất ra mắt năm nay là “Alien: Romulus” (tựa Việt: Quái Vật Không Gian - Romulus).
Tác phẩm đã có được tổng cộng 19 giải thưởng và 22 đề cử, trong đó có 1 Giải Oscar cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và Giải Sao Thổ cho Đạo diễn xuất sắc nhất.
2. Blade Runner (1982)
Nếu như khởi nguồn của một trong những thương hiệu phim thành công nhất như “Alien” là màn kết hợp giữa khoa học viễn tưởng và kinh dị, thì “Blade Runner” là sự pha trộn tuyệt đỉnh giữa thể loại khoa học viễn tưởng và phim đen (phim noir). Tờ The Guardian năm 2010 bình chọn phim đứng thứ 3 trong danh sách các phim sci-fi xuất sắc nhất mọi thời đại. Bộ phim cũng đã đạt được tổng 13 giải thưởng và 22 đề cử, trong đó có đề cử Oscar cho Hiệu ửng hình ảnh và Thiết kế sản xuất.
Bộ phim giả lập một tương lai hiện đại nhưng tăm tối, tàn bạo và lãng mạn với nhân vật chính là một cựu cảnh sát có nhiệm vụ tiêu diệt những người nhân bản. Hình ảnh ám ảnh về thành phố Los Angeles mịt mờ trong mưa và sương mù, nhạt nhòa ánh đèn neon đã xác lập khuôn mẫu cho phong cách thẩm mỹ cyberpunk định nghĩa cho thể loại khoa học viễn tưởng phản địa đàng.
Bên cạnh thành tựu về mặt thẩm mỹ, “Blade Runner” đặt ra những câu hỏi vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay, khám phá chủ đề nhân tính thông qua các nhân vật như Rick Deckard và những người máy mà anh ta săn lùng. Trong bối cảnh phát triển của AI, các chủ đề về cuộc sống nhân tạo, ký ức và lòng tự trọng, khám phá ý nghĩa của việc trở thành con người trong “Blade Runner” lại càng trở nên nhức nhối. Thay vì đưa ra câu trả lời chắc chắn, bộ phim lại để khoảng trống cho sự mơ hồ về mặt đạo đức cùng loạt câu hỏi hiện sinh chưa được giải quyết.
3. Thelma & Louise (1991)
Bước ra khỏi địa hạt khoa học viễn tưởng và sử thi lịch sử quen thuộc, Ridley Scott có cuộc thử nghiệm với “Thelma & Louise” vào thập niên 90. Được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của nhà làm phim, bộ phim “roadtrip” này kết hợp giữa kịch tính, phiêu lưu và bình luận xã hội. Thành công của bộ phim nằm ở việc xây dựng tình bạn độc đáo giữa những người phụ nữ, lật đổ mô típ điển hình của Hollywood, đánh dấu đây vừa là một bộ phim có sức ảnh hưởng vừa là minh chứng cho sự linh hoạt của Scott.
Chân dung của Thelma (Geena Davis) và Louise (Susan Sarandon) lần lượt được bóc tách trên từng bước của chuyến hành trình “bão táp”. Họ có thể là một người vợ, người bạn gái tắc trách, thiếu trách nhiệm, với xã hội họ là những phụ nữ liều lĩnh, nổi loạn nhưng đồng thời, họ cũng ngọt ngào, hài hước, tốt bụng và khao khát tự do.
Sa mạc rộng lớn mà Thelma và Louise dấn thân tới đại diện cho cả hy vọng và nguy hiểm trên hành trình trốn chạy khỏi áp bức. Bộ phim phá vỡ các khuôn mẫu phim tội phạm chạy trốn truyền thống bằng cách chuyển trọng tâm sang câu chuyện phụ nữ nắm quyền kiểm soát số phận của họ.
Bộ phim đạt cả thành công về thương mại lẫn đánh giá phê bình, nhận 6 đề cử giải Oscar và đoạt giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Scott được đề cử đạo diễn xuất sắc nhất, trong khi Sarandon và Davis nhận đề cử nữ chính xuất sắc nhất.
4. The Martian (2015)
Trở lại với dòng phim khoa học viễn tưởng, Ridley Scott có sự cách tân trong The Martian (tựa Việt: Người về từ Sao Hỏa) bằng cách đem đến chủ nghĩa hiện thực thông qua mô tả tỉ mỉ hành trình thám hiểm sao Hỏa của tiến sĩ Mark Watney (Matt Damon). Phim được đề cử 7 giải Oscar, thắng 2 giải Quả Cầu Vàng và thu về hơn 600 triệu đô từ phòng vé toàn cầu.
Scott đã hợp tác chặt chẽ với NASA để tạo ra hình dung chân thực về cuộc sống trên sao Hỏa. Bộ phim sử dụng công nghệ thực tế và các chiến lược sinh tồn cho phép khán giả cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của tình huống Mark bị mắc kẹt trên sao Hỏa. Trong một cơn bão cát dữ dội, các thành viên phi hành đoàn khác tin rằng anh đã chết nên buộc phải sơ tán khỏi sao Hỏa. Tuy nhiên, Mark sống sót sau vụ va chạm. Anh phải vận dụng hết kiến thức của một nhà thực vật học, một kỹ sư và cả sự sáng tạo, liều lĩnh cùng may mắn để sống sót.
Trong khi Alien nhấn mạnh vào cơn ác mộng không gian, thì The Martian lấp lánh hy vọng, sự lạc quan, ca ngợi khả năng phục hồi và thích ứng của con người. Bộ phim chinh phục người xem bằng phần hình ảnh choáng ngợp lột tả vẻ đẹp kỳ vĩ của sao Hỏa, một hành tinh đỏ rực nổi bật giữa vũ trụ thăm thẳm.
5. Gladiator (2000)
Ridley Scott nổi tiếng với những tác phẩm phóng tác trên bối cảnh lịch sử, đến từ lựa chọn sáng tạo phục vụ cho phong cách làm phim độc nhất của ông. Bộ phim đầu tay của Scott, “The Duelists”, chịu ảnh hưởng của Stanley Kubrick đi sâu bám sát chủ đề lịch sử. Nhưng sau đó, Scott chuyển sang phong cách thiên về tầm vóc hoành tráng và cách diễn giải hiện đại, ngay cả khi điều đó có nghĩa là biến tấu hoặc sáng tạo thêm các nhân vật mới, như đã thấy trong “Gladiator” (tựa Việt: Võ sĩ giác đấu) và “Kingdom of Heaven” (tựa Việt: Vương quốc thiên đường).
Trong “Gladiator”, nhân vật Maximus do Russell Crowe thủ vai là một nhân vật hư cấu tồn tại cùng thời với các nhân vật lịch sử có thật thời La Mã như Hoàng đế Marcus Aurelius, bạo vương Commodus, công chúa Lucilla. Điều làm nên thành công của bộ phim, đồng thời khiến chân dung Maximus trở nên đáng tin là sự đầu tư của Scott trong thiết kế bối cảnh thực tế, song song với câu chuyện mang đậm chủ nghĩa hiện thực.
Maximus ở giữa cuộc chiến quyền lực mà ở đó, lòng trung thành và sự chính trực của anh đã khiến Hoàng đế Commodus trù dập. Vợ con của Maximus bị sát hại, vị tướng lỗi lạc nay bị tước hết danh dự, sự nghiệp, trở thành nô lệ và sau đó là võ sĩ giác đấu trên đấu trường La Mã.
Không giống như các bộ phim sử thi trước đó, “Gladiator” mang đậm màu sắc hiện thực mãnh liệt, thô ráp. Ridley Scott đem đến một La Mã phồn thịnh với các đô thị nhộn nhịp và quân đội mạnh mẽ, vừa chứa đựng trong đó sự suy đồi khi hoàng tộc triệt hạ lẫn nhau, âm mưu chính trị trong hội đồng, còn người dân thì coi bạo lực và giết chóc là thú vui tiêu khiển.
Bên cạnh bối cảnh hoành tráng và phần âm nhạc đỉnh cao, hành trình của Maximus từ một vị tướng bị phản bội trở thành đấu sĩ báo thù trong “Gladiator” xoay quanh chủ đề về lòng trung thành, sự trả thù và ảnh hưởng tha hóa của quyền lực đã thu hút nhiều thế hệ khán giả.
“Gladiator” là một bộ phim thay đổi cuộc chơi đối với phim lịch sử, làm sống lại thể loại này và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho cách kể chuyện sử thi. Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 73, bộ phim càn quét các hạng mục với 5 chiến thắng trên tổng số 12 đề cử. Đây là bộ phim có doanh thu cao thứ hai trên toàn thế giới vào năm 2000. Sự trở lại của Scott cùng “Gladiator II” (tựa Việt: Võ sĩ giác đấu II) hứa hẹn nối tiếp thành công của phim gốc, phơi bày một La Mã với tất cả tro tàn rực rỡ cùng nhân vật mới: anh hùng Lucius Verus do Paul Mescal vào vai.
Hiếm có đạo diễn nào bền bỉ và thành công như Ridley Scott. Nhắc tới cái tên này là nhắc tới các tác phẩm được đầu tư công phu về bối cảnh, set quay, đảm bảo sự ngoạn mục về thị giác cũng như hấp dẫn về nội dung. Ở tuổi 86, ông vẫn tiếp tục đổi mới để nắm bắt thị hiếu khán giả, theo kịp xu hướng đồng thời giữ được chất riêng cho mình.. Dù ở thể loại nào, thông điệp ra sao, mỗi tác phẩm gắn mác Ridley Scott đều là minh chứng cho tầm nhìn và tham vọng của một trong những nhà làm phim hàng đầu Hollywood.
VÕ SĨ GIÁC ĐẤU II - khởi chiếu tại rạp từ 15.11.2024.