Hồ Quỳnh Hương và các ca sĩ hết mình với đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời” tại Đà Lạt
Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc ‘Sáng Đạo Trong Đời’
Toạ đàm “Vai trò của âm nhạc trong việc truyền tải thông điệp phật giáo và lan toả giá trị hoà bình” đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu uy tín, bao gồm đại diện Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng thẩm định nghệ thuật, đại diện Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, cùng nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ và đông đảo Phật tử yêu mến nghệ thuật. Được biết, sau một thời gian các chuỗi sự kiện của cuộc vận động diễn ra, đã có hàng trăm tác phẩm dự thi gửi về từ đông đảo các tăng ni, phật tử, những người yêu nghệ thuật khắp mọi miền Tổ quốc.
Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Uỷ viên TT Hội đồng Trị sự - Trưởng Ban Văn hoá Trung ương
Nội dung chính của tọa đàm tập trung vào những vấn đề quan trọng như ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2025 và thông điệp hòa bình, vai trò của âm nhạc trong việc kết nối cộng đồng và lan tỏa các giá trị nhân văn, đồng thời phát động cuộc vận động sáng tác âm nhạc Phật giáo với tinh thần "Sáng Đạo Trong Đời."
Đặc biệt, những chia sẻ của các nghệ sĩ như Nhà báo Trần Mai Anh, NSƯT Nguyễn Quang Hưng và các nhạc sĩ địa phương đã mang đến những góc nhìn đa chiều và sâu sắc, làm sáng tỏ thêm đặc trưng của âm nhạc Phật giáo cũng như định hướng phát triển các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lâu dài. Theo đó, âm nhạc sẽ tiếp tục trở thành một hình thức lan toả mạnh mẽ tinh thần Phật giáo và các thông điệp ý nghĩa về hoà bình, nhân sinh quan trong đời sống.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng.
Nhà báo Trần Mai Anh
Toạ đàm có sự góp mặt của các đại biểu uy tín
Nằm trong khuôn khổ cuộc vận động, các chương trình liên quan bao gồm Toạ Đàm, đêm biểu diễn Nghệ thuật đã diễn ra ở nhiều điểm Chùa trực thuộc Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam trên cả nước, nhằm để truyền cảm hứng, tuyên truyền, vận động đến nhiều nghệ sĩ, trí thức…
Cuộc vận động cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua các tác phẩm nghệ thuật; phát hiện và bồi dưỡng tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo; tạo nguồn tác phẩm nghệ thuật Phật giáo phong phú, đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tinh thần của phật tử và cộng đồng; phát huy di sản văn hóa nghệ thuật Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế.
Các phật tử địa phương chăm chú theo dõi toạ đàm
Buổi tối cùng ngày, chương trình văn nghệ ‘Sáng Đạo Trong Đời’ đã diễn ra, tạo điểm nhấn cho sự kiện. Đêm nhạc có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quang Hưng, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương,... Các tiết mục biểu diễn không chỉ mang lại những giai điệu đẹp đẽ mà còn thấm đẫm giá trị nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sân khấu được dàn dựng chỉn chu, kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và các màn trình diễn múa minh họa tinh tế, tái hiện một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, kết nối sâu sắc giữa giá trị văn hóa, tinh thần Phật giáo và đời sống thường nhật của khán giả.
Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Uỷ viên TT Hội đồng Trị sự - Trưởng Ban Văn hoá Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu mở màn chương trình văn nghệ ‘Sáng Đạo Trong Đời’
Vũ đoàn Emmy mở màn bằng với tiết mục múa đặc sắc
Ca sĩ Ngân Anh
Ca sĩ Bảo Nam
Tốp ca Phật Tử Thanh Sơn Di Linh
NSƯT Hồng Liên với mang đến những giai điệu sâu lắng
NSƯT Quang Hưng và cây đàn bầu quen thuộc
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương được khán giả yêu mến, cổ vũ nhiệt tình
Những tiết mục không chỉ truyền tải thông điệp về sự hòa bình, đoàn kết mà còn khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người tham dự. Đây chính là sự hòa quyện giữa âm nhạc hiện đại và tinh thần Phật giáo, giúp nghệ thuật đến gần hơn với khán giả mọi lứa tuổi.
Chương trình Phát động sáng tác âm nhạc phật giáo “Sáng Đạo Trong Đời” tại Đà Lạt đã tạo được dấu ấn sâu sắc, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác âm nhạc Phật giáo tại địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung. Những ý kiến đóng góp tại tọa đàm sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng các chương trình nghệ thuật tiếp theo, hướng đến Đại lễ Vesak 2025.
Ban Tổ chức kỳ vọng cuộc vận động sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhạc sĩ, nghệ sĩ, và cộng đồng yêu nghệ thuật, góp phần lan tỏa thông điệp hòa bình và tinh thần Phật giáo đến mọi tầng lớp trong xã hội.