Đạo diễn Trần Minh Ngân: “Phim về gia đình không dễ làm”

Ngày : 12/08/2021
THANTUONG - Trân Minh Ngân, đạo diễn trẻ nhưng khá thành công qua các dự án sitcom, phim truyền hình về đề tài gia đình như Em Trai Bố Dượng, Gia Đình Hoà Thuận…

Mô tả hình

Những tưởng sẽ phải là người đã “yên bề gia thất” mới có nhiều lợi thế khai thác dòng phim này, nhưng với Ngân thì hoàn toàn ngược lại: vẫn là chàng trai độc thân vui tính, sống xa gia đình lớn một thời gian dài lập nghiệp ở Sài Gòn. Vậy đâu là bí quyết để đạo diễn Trần Minh Ngân có thể “kể” những câu chuyện gia đình giàu cảm xúc trên màn ảnh nhỏ? 

Chào Ngân, gần đây thấy anh góp mặt trong nhiều dự án phim, cả về điện ảnh lẫn truyền hình, về đề tài gia đình. Đó là sự tình cờ hay chủ ý của anh trong nghề? 

Trần Minh Ngân: (cười) tình cờ cũng có mà nói chủ ý cũng đúng. Thật ra, như một cái duyên, trong năm vừa qua các dự án có sự tham gia của tôi đều là những phim về đề tài gia đình. Đây là mảng nội dung tôi rất thích vì nó gần gũi với đa số khán giả, có nhiều câu chuyện để kể và đặc biệt trong những năm gần đây, thực tế đời sống các gia đình cũng có nhiều va đập hơn do tác động từ kinh tế - xã hội. Những người làm phim chúng tôi hay nói rằng đây là mảnh đất nội dung màu mỡ, khai thác hoài không cạn… 

Mô tả hình

 

Dẫu đề tài phong phú, dễ khai thác nhưng cũng tạo ra thách thức cho các đạo diễn và biên kịch vì có quá nhiều thứ để nói thành ra rất khó để làm phim hay. Sau những trải nghiệm của bản thân, anh có đồng ý quan điểm này? 

Trần Minh Ngân: Cái khó của đạo diễn khi làm phim về gia đình là các mâu thuẫn, bi kịch trong gia đình thường tồn tại rất cơ bản như: vợ chồng không cùng quan điểm, anh em không thuận hoà, con cái bất đồng với ca mẹ, con dâu khó ở cùng mẹ chồng… Và cái khó hơn là phải làm sao đặt để những mâu thuẫn cơ bản này trong bối cảnh mới, nhìn nó với góc nhìn mang hơi thở cuộc sống của hiện tại, chứ không phải của quá khứ, của nhiều năm về trước. Ngoài ra, cái khó nhất là đạo diễn phải chọn cách kể làm sao cho gần gũi, sát với những gì đang diễn ra ngoài đời thực nhất có thể… Khán giả bây giờ rất tinh tế, họ dễ dàng nhận ra những điều không hợp lý nếu những người làm phim không nghiên cứu và chăm chút cho sản phẩm. 

Mô tả hình

 

Và anh đã làm như thế nào để khắc phục 3 điều khó ấy để có một bộ phim thành công, như sitcom Em Trai Bố Dượng, chẳng hạn? 

Trần Minh Ngân: Bất lợi lớn nhất của tôi là chưa có gia đình, một số trải nghiệm trong gia đình như làm chồng, làm cha hoặc làm con rể… tôi chưa có cảm xúc thật ngoài đời. Tuy nhiên, đó không là rào cản khi tôi làm phim gia đình. Để khắc phục 3 điều khó như tôi vừa chia sẻ tôi thường đọc kịch bản rất kỹ, phân tích xem những tình huống kịch chính của phim như vậy có hợp lý không. Từ đó, tôi so sánh, đối chiếu với ngoài đời thật là câu chuyện của gia đình tôi, của bạn bè, những người thân quen biết… để đánh giá lại về mâu thuẫn kịch. Khi hoàn toàn bị thuyết phục bởi kịch bản tôi mới triển khai. Còn như chưa, tôi sẽ đưa ra quan điểm và những đóng góp của mình để điều chỉnh kịch bản với biên kịch và những cộng sự của mình. Cách làm này đã giúp tôi tự tin khi ra trường quay và có đủ lý lẽ để thuyết phục diễn viên nếu họ chưa ưng kịch bản…

Mô tả hình

 

Thường trong các phim đề tài gia đình đa số xoay quanh chuyện của những người phụ nữ, đàn ông ít có vai trò thậm chí mờ nhạt trong tuyến kịch chính. Những phim anh tham gia có rơi vào trạng thái này? 

Trần Minh Ngân: Tôi cũng thấy đang là một khoảng hở về nội dung của phim truyền hình về gia đình. Đã là gia đình thì không thể thiếu vắng đàn ông và họ cũng là nhân tố chính trong tuyến kịch của phim, không nên hạ thấp hoặc làm mờ nhạt đi. Tôi cũng hiểu, có thể vì đa số khán giả xem phim là phụ nữ nên những câu chuyện về phụ nữ các biên kịch thường làm cho “đậm đà” hơn để thu hút, lấy cảm xúc trực tiếp từ họ. Thực tế với phim tôi làm thì tuyến nhân vật nam giới trong phim lại có sự đào sâu về tâm lý hơn, rõ nét hơn. Họ đau khổ về cái gì đó thật rõ ràng, họ mắc kẹt bởi vì một nguyên nhân cụ thể và họ cũng dám hành động để thoát ra khỏi những xáo trộn hay bi kịch từ phía gia đình. Tôi cũng mơ ước có một ngày nào đó được làm một bộ phim dài tập nói về nỗi khổ của cánh mày râu chúng tôi trong mái ấm của họ…

Mô tả hình

Mô tả hình

 

Trong rất nhiều nhân vật trên phim của mình, nhân vật nào có tác động sâu sắc đến anh về thông điệp gia đình?  

Trần Minh Ngân: Đó là nhân vật bà Kim trong sitcom Em Trai Bố Dượng. Khán giả xem phim có thể rất ghét bà về sự toan tính và những thủ đoạn chia cắt tình cảm của con trai mình. Nhưng tôi thì rất thương nhân vật bởi mọi việc làm của bà đều xuất phát từ tình thương con, vì quá yêu thương nên dẫn đến tình thương đó tạo sự áp đặt và gây áp lực cho con cái. Đó cũng là thông điệp mà phim muốn gởi tới khán giản: yêu thương sai cách có thể dẫn đến tan rã tình thân trong gia đình. Tình yêu thương trong gia đình phải có sự tương tác mới bền lâu và nó phải được khởi phát – đón nhận từ tất cả các thành viên. 

Xin cảm ơn và chúc anh thành công với các dự án phim trong thời gian tới! 

 

THANTUONG.TV

 

:
Xem thêm
Về đầu trang