Truyện ngắn: DÒNG ĐỜI của tác giả Huỳnh Thanh Tuyền

Ngày : 13/03/2022
THANTUONG - Mời bạn đọc cùng đến với truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ Huỳnh Thanh Tuyền.

Mô tả hình

 

Năm lớp 4 tôi chuyển trường từ thành phố về quê. Đợt đó gia đình xảy ra biến cố lớn, cha mẹ không có cách nào khác ngoài việc tạm đưa tôi về ở với ông bà ngoại. Trước là yên tâm việc tôi sẽ được ông bà chăm sóc, sau nữa là tránh cho việc học của tôi không bị gián đoạn giữa chừng.
Nói là quê nhưng thật ra nhà ông bà ngoại vốn nằm ngay thị xã nên đời sống dân cư trong vùng đa số đều khá giả. Ngày đầu tiên nhập học trường mới, mang tiếng là trẻ thành phố chứ thật ra tôi vốn là đứa nhút nhát, chẳng ai làm gì mà đã run như cầy sấy nên suốt buổi cứ ngồi im thin thít chẳng dám bắt chuyện với ai.
Đến giờ ra chơi, ngồi thơ thẩn một góc nhìn các bạn chơi với nhau, thèm lắm nhưng vì nhút nhát không dám xin chơi cùng nên rốt cục suốt buổi chỉ ngồi thu lu giương mắt nhìn. “Lan Anh đang làm gì đó?“, một giọng nói trong veo, lém lỉnh vang lên. Tôi vừa xoay người sang chưa kịp nói gì thì giọng nói ấy tiếp tục: “Mình là Hiếu, mình ngồi ngay phía sau Lan Anh trong lớp. Lan Anh có muốn cùng Hiếu đi một vòng tham quan trường không?”
“Chắc chắn rồi.” - Tôi cười tươi đáp lời bạn. Lúc này tôi mới nhìn rõ Hiếu, cậu bạn gầy cao, ánh mắt sáng rực tinh anh, đặc biệt nụ cười của Hiếu như nhuốm đầy màu nắng, vô cùng rạng rỡ. Hai đứa cứ thế cùng nhau tha thẩn mọi ngóc ngách trong trường. Cuộc khám phá kết thúc vừa lúc trống trường vang lên báo giờ vào lớp. Hai đứa vừa chạy vừa nắm tay nhau giữa những sợi nắng mong manh ươm vàng rực rỡ. Đến cả khi trưởng thành đi qua bao biến động của đời sống, hình ảnh và tiếng cười của hai đứa trẻ năm nào thỉnh thoảng vẫn vô thức dội lên những thanh âm êm dịu, bất giác khiến tôi mỉm cười.
Hiếu thường đến lớp muộn, quần áo có phần xộc xệch hơn các bạn cùng lớp nhưng bạn học giỏi toán lắm. Tôi chưa từng thấy một người bạn cùng tuổi nào học hành chăm chỉ như Hiếu. Nhưng đợt đó Hiếu thường đến lớp với đôi mắt thâm quầng, nghe đâu mẹ Hiếu đang bị gãy chân phải nằm một chỗ, em gái Hiếu còn nhỏ cần có người trông nom. “Từ mai Hiếu phải nghỉ học một thời gian, Lan Anh đừng buồn nghen. Hiếu phải tạm thời ở nhà để chăm mẹ ốm và cả em gái nhỏ của Hiếu nữa.” - Hiếu cúi đầu mắt ầng ậng nước thỏ thẻ. “Vậy còn cha Hiếu đâu?”- Tôi tò mò hỏi. Lúc đó nhìn mặt Hiếu méo xệch, cảm giác bao nỗi tủi hờn, vất vả một mình gắng gượng bấy lâu, nay chỉ cần một cú chạm nhẹ sẽ gục xuống, vỡ oà. Tôi thôi không hỏi nữa chỉ nắm tay bạn thật chặt, hoa phượng trên cao dường như nghe được lời thì thầm của hai đứa nên nương theo gió thả mình rơi xuống, có lẽ hoa đang muốn nói hộ lòng tôi “Hiếu ơi Lan Anh đây, đừng khóc!”
Bà ngoại kể cha Hiếu là chú tư Phan, gia đình dòng tộc Hiếu đã sống ở vùng này nhiều đời. Xưa cha Hiếu cũng có công ăn việc làm nhưng sa vào cờ bạc, rượu chè rồi trở nên bê tha bệ rạc. Mẹ Hiếu vất vả trăm bề, lớp mưu sinh, lo cho hai con học hành, lo luôn tiền rượu cho người chồng quanh năm suốt tháng hở chút là đánh mình trong cơn say ngật ngưỡng. Hiếu và em gái từ bé đến lớn ít khi thấy cha mình tỉnh. Nghĩ đến gương mặt của bạn khi oằn mình che đòn cho em trước sự hung hãn của người cha nát rượu, nước mắt mình thuở ấy cứ không ngừng tuôn ra ướt đẫm cả gối nằm.
Chờ mãi không thấy Hiếu quay lại trường. Hôm đó tôi nằng nằng đòi ông ngoại chở sang nhà Hiếu. Ngôi nhà vách lá xiêu vẹo nằm lọt thỏm trong khu dân cư, từ đầu ngõ đã nghe tiếng la hét, đập phá xen lẫn tiếng kêu khóc không ngừng của phụ nữ. Ông ngoại chép miệng: “Thằng Tư nó lại lên cơn rồi”. Nói rồi ông ngoại chống xe, quay sang dặn dò: “Con ngồi đây đừng vào để ông ngoại vô can chú Tư”. Tôi lúc đó run như cầy sấy, mặt cắt không còn giọt máu ngồi im ru như lời Ngoại dặn. Nhưng dù sợ con mắt vẫn láo liêng nghe ngóng xem phía đó đang xảy ra chuyện gì. Bỗng tôi thấy Hiếu nắm tay em đi ra từ cửa trước, đầu tóc bù xù, quần áo nhem nhuốc rách bươm, mặt và người bạn quằn quện vết roi vẫn còn đang ứa máu. Ánh mắt Hiếu va vào tôi đầy bối rối. Khoảnh khắc đó tôi lặng đi, chưa kịp hoàn hồn thì Hiếu đã nắm tay em vụt nhanh qua rồi mất hút. Đó cũng chính là lần cuối tôi và Hiếu gặp nhau…
Sau thời gian dài nỗ lực, cha mẹ dần vực dậy được sự nghiệp. Cha mẹ quyết định về quê đón tôi lên thành phố, ngày rời đi tôi chỉ kịp viết vội lá thư rồi nhờ ông bà ngoại mang sang cho Hiếu. Không một lời từ biệt quãng đời tuổi thơ có nhau của hai đứa đành dừng lại vào chiều hôm đó. Sự mặc cảm, bẽ bàng trong mắt bạn ngày ấy là thứ khiến tôi hối hận đến tận bây giờ về quyết định có mặt không đúng chỗ của mình.
Dòng chảy đời sống cứ thế xô đi và câu chuyện thời bé thơ đã nằm im lìm trong hồi ức. Cho đến một ngày tôi vô tình nhìn thấy đường nét thân quen của một gương mặt cũ trên bản tin tội phạm. “Nguyễn Chí Hiếu sinh 19/8/1985 - Trùm ma tuý khét tiếng sa lưới…”. Tôi như chết lặng, toàn thân trở nên đông cứng, nụ cười sáng trong của người bạn thuở thiếu thời bỗng hiện về rõ nét. Ánh mắt tập trung của bạn mỗi giờ lên lớp, chiếc cặp xức sẹo, bộ đồng phục học sinh vá chằng vá đụp bạn mặc mỗi ngày, tiếng cười giòn tan, sự dịu dàng thiện lương của bạn… Tất cả như đan xen rồi kết dính vào nhau tạo thành những cơn sóng thần không ngừng vần vũ liên hồi trong tâm trí “Tại sao, tại sao, tại sao…?”. Tôi cố tìm sự liên kết giữa ánh mắt sáng trong thiện lành của cậu bạn ngày xưa với hình ảnh người đàn ông mặc áo tù nhân, mắt vằn lên những tia nhìn ẩn ức, lạnh lùng trong tờ báo đặt ngay trước mặt. Vẫn vết bớt thân quen bên má phải thường nhô cao mỗi khi bạn cười… Ai hay điều gì đã làm cho một tâm hồn thuần thiện trở nên vấy bẩn rồi trượt dài chừng ấy? Từng câu hỏi như những con sóng nhô cao rồi cứ thế ngã sống xoài trong thinh lặng.
Chắc hẳn Hiếu của những năm tháng đó đã sống vô cùng khổ sở trong vòng kìm hãm của cái nghèo và sự bạo hành từ tinh thần đến vật chất bởi chính người sinh ra mình. Nỗi nhọc nhằn, tủi hờn của một đứa trẻ lên 9 không biết có ai nghe thấy để kịp thời đưa cho bạn một cái siết tay. Trời hôm nay xanh trong nhưng tôi nghe như mưa giông đang vần vũ trong lòng mình. Tai tôi bỗng như ù đi, không gian chung quanh mờ dần, mờ dần… Chỉ còn lại tiếng cười trong veo và hình ảnh hai đứa trẻ đang nô đùa dưới gốc phượng già trong sân trường ngập nắng. Tôi thả mình trôi đi cùng dòng hồi tưởng để tuyệt vọng ước rằng phải chi ngày đó tôi có thể làm điều gì đó cho bạn mình “hơn một cái siết tay”.
HuỳnhThanhTuyền
:
Xem thêm
Về đầu trang